Wednesday, July 9, 2014

Tình yêu trên cao / Ngô Thiện Tánh

1.-Buổi sáng ở Nha Trang thơm lừng mùi gió biển. Thứ Hai - Tôi phóng chiếc xe vù vù vào Trại Tây Kết, bản doanh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 Duyên Hải, để kịp vào phi đoàn 114 thuộc Sư đoàn 2 Không quân đóng trong phi trường Nha Trang. Bước xuống xe jeep, lấy lệnh hành quân, đeo dù, lên máy bay, chúng tôi làm như cái máy.
“Nha Trang đài, đây Sao Mai 08”
“08, Nha Trang nghe!”
“Sao mai 08” là danh hiệu truyền tin của chúng tôi hôm nay. “Taxi” ra phi đạo, phi cơ cần liên lạc truyền tin với đài kiểm soát không lưu để xin chỉ thị cất cánh. Trong khi chờ đợi tới phiên mình, chiếc Cessna cũng đã lẹ làng nối đuôi đậu theo hàng dọc bên cạnh phi đạo. Thiếu úy Nay bận bịu liên lạc với tổng đài Nha Trang, tôi dõi mắt nhìn ra phi đạo. Những chiếc phi cơ khác đến trước đang lần lượt cất cánh. Trông chúng giống như những cánh đại bàng, to có nhỏ có, đang lao mình vào không gian vô định trước mặt. Trái tim tôi đập thình thịch. Nhất là những buổi sáng sớm mai như thế này. Chút nữa đây chúng tôi cũng thế, sẽ lao mình vào một không gian khác hẳn với mặt đất!
Khi cất cánh cái gì cũng có thể xảy ra. Phi cơ trưởng cẩn thận kiểm soát hết mọi thứ, và xem lại những dàn nút xanh đỏ trên đầu và trước mặt thật kỹ lưỡng như đang sờ soạng nâng niu một vật gì đó thân yêu của mình. Chút nữa đây cả khối sắt nặng nề sẽ bay lên theo tiếng rú gầm thét của động cơ, số phận của chiếc máy bay chưa hẳn đã an toàn. Đôi khi tai nạn vẫn xảy ra như thường, và ngoài tầm kiểm soát của mình. Có lần chúng tôi đã cất cánh khỏi phi đạo, nhưng vừa ra tới mép bờ biển thì tự nhiên trước mặt tối sầm lại. Giống như có ai lấy mây đen phủ kín hết tầm nhìn trước mặt. Phi cơ trưởng lạng một vòng bán nguyệt trên biển để xem cái gì đã xảy ra. Ôi nhớt từ đâu cứ phóng ra như suối trước mặt che kín hết mặt kính. Nhờ gần phi trường nên chúng tôi đã xin đáp khẩn cấp. Thì ra lúc thay nhớt, cái nắp đậy chưa được vặn lại cho chắc nên đã vuột mất khi cất cánh. Chỉ tội cho chúng tôi lần đó phải một phen hú vía, may là khỏi phải đi tắm biển Nha-Trang sáng sớm một cách bất đắc dĩ…


Hòn Tre
Sáng hôm nay biển Nha Trang còn đầy sương mù. Chiếc Cessna lượn một vòng ra biển, ngang qua Hòn Tre, lượn vòng một chút qua mé trái, cuối tòa Hành Chánh Tỉnh bọc cao lên phía chợ Đầm. Nhìn xuống bên dưới thành phố im lặng như còn đang ngái ngủ, “còn sớm quá”, tôi thầm nhủ. Chắc giờ này nàng vẫn còn đang cuộn mình trong tấm chăn như con mèo con dễ thương, chui rúc để tìm hơi ấm. Phải chi …phải chi có mình ở nhà!
Nha-Trang
Thành phố Nha-Trang trên cao nhìn xuống thấy loáng thoáng những màu xanh đỏ, giống như một bức tranh vẽ. Thành phố nhỏ bé nằm sát bên bãi biển cát trắng mịn. Bên ngoài là màu xanh của nước biển với những đợt sóng trắng cuồn cuộn đổ vào bờ. Thiếu Úy Nay cho chiếc Cessna lướt tiếp về hướng Mã Dòng ngang qua trại gia binh. Bên dưới là Đồng Bò và những thửa ruộng vuông vức trông như hình bàn cờ, tôi nhắc khéo: “Thiếu úy, hôm nay tụi mình đi trục Bắc!”
Thiếu úy phi công tên Nay rất đẹp trai và nho nhã. Tướng ốm ốm như thư sinh nhưng trong bộ đồ bay màu đen của các chàng Không quân, Nay lại rất giống các hiệp sĩ trừ gian diệt bạo. Chưa thấy sĩ quan nào mang súng xệ bên hông đẹp bằng Nay. Tôi thường bảo Nay: “Mày mà đóng phim cao bồi thì chắc ăn khách lắm! Mấy cô nữ sinh thì chắc khoái dạo phố với tụi mày lắm phải không?” Nay cười hiền lành, trái hẳn với điều tôi nghĩ, nói qua tiếng ồn ào của động cơ: “Đâu có thì giờ nhiều mà dạo phố như mấy ông Hải quân hở! Tụi tao bay lia chia với mấy ông thần Bộ binh mệt bở hơi tai. Lúc về thành phố nghỉ ngơi thì lại phải “hành quân biển” với tụi mày rùi! Ha.ha…”
Tượng Đức Phật nhìn xuống thành phố Biển
Chiếc máy bay lấy cao độ, chào thành phố một lần chót, dọc theo bờ sông Cái, trên xóm Cổn, ngang Tượng Phật, Tháp Bà rồi bay thẳng ra biển. “Ngủ ngon nhé em!” tôi gởi một cái hôn gió cho thành phố ban mai. Hòn Rùa nằm chơ vơ bên dưới, bọc chung quanh là những đợt sóng trắng phau liên tiếp phủ lên nhau đập vào mạn đảo. Chút nắng sớm mai làm men cho những đợt bọt biển trông giống như ly bia bị rót tràn trên miệng. Tôi mê nhìn hòn Rùa từ trên cao. Đến đây thì máy bay bắt đầu lấy thêm cao độ và đưa mũi hướng về phía Bắc.
Hòn Rùa
Bỏ lại hòn Rùa bên dưới, xa xa mờ mờ trong đợt sương mai bên phải là hòn Mun, hòn Yến, chiếc máy bay lượn một vòng nhỏ rồi nhắm thẳng về hướng Vũng Rô. Bên dưới vùng sương mù dày đặc là cửa biển. Con sông Cái mang phù sa từ vùng cao nguyên xa xôi đổ ra biển. Màu nước ngọt đục ngầu tiếp cận với màu xanh lơ của nước biển tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ diệu. Rải rác vài hòn đá đen tuyền nhô lên lẻ loi trên dòng nước.
Xóm Dừa
Chiếc cầu xóm Bóng chạy dài nối liền hai con phố nhỏ với những căn nhà xây cất không đồng bộ. Lác đác những người dân làm nghề buôn bán cá đang ngồi chờ những chiếc ghe câu đêm trở về. Chỉ vài phút bay chúng tôi đã lơ lững trên mật khu phía đông bắc Hòn Khói. Không một bóng người ven bờ biển. Không gian yên tĩnh lạ lùng. “Xà thấp xuống một chút đi Nay!” tôi nói nhỏ. Một chiếc cổng tam quan làm bằng lá dừa treo đầy cờ xanh đỏ. Từ chỗ này cách bờ biển khoảng chừng vài trăm thước là cùng. Chung quanh là hoang vu không ruộng rẫy, chỉ có những lùm cây khô khốc nằm rải rác tận đến chân núi phía trong. Chúng tôi bay ra biển rồi tà tà xuống Duyên đoàn 25 đang ẩn mình dưới những cụm dừa xanh. Lượn qua những chiếc ghe ferro cement của duyên đoàn đang nằm nghỉ bến, chúng tôi rời vùng bay thẳng về phía Bắc.
Cửa Biển
Nay lấy bao thuốc lá ra mời. Tôi đưa tay lấy một điếu nói cảm ơn, và cả hai cùng cười đốt thuốc hút. Tôi ghiền Ruby, những bao quân tiếp vụ có hình anh lính chiến binh trong tư thế tác chiến. Nhìn lá cờ vàng tung bay trên nền trời xanh thẳm càng thấy thêm được cái thú vị của thú hút thuốc trong khi đi hành quân. Hôm nay đi xa nên tôi cũng ráng chuẩn bị đầy đủ bằng cách thủ hai gói trong túi áo. Nhìn xuống bên dưới tôi an tâm vì thấy mọi sự đều bình thường. Tôi vẫn nghĩ nếu có gì xảy ra thì chắc đã xảy ra vào ban đêm. Cái cổng tam quan làm bằng lá dừa khiến tôi áy náy nên đã gọi về báo cho Trung tâm Hành quân biết. Chúng tôi là đà bay bên trên vùng biển cấm đánh cá để xem có cái gì bất bình thường hay không!
Ngang qua đầm Nha Phú, cảnh đẹp như một bức tranh vẽ. Rặng phi lao mập mờ dọc theo bãi biển trắng ẩn hiện dưới làn nước trong veo. Nay cho phi cơ hạ thấp xuống, từ từ để vào Vũng Rô. Khi thấy đỉnh ngọn Hòn Vọng Phu mờ mờ trước mặt, Nay bắt đầu cho phi cơ vòng lại theo ngọn núi đầy sương mù. Gió ở Vũng Rô bắt đầu giựt và nhồi tụi tôi! Chiếc phi cơ rớt tuột xuống thấp rồi đụng vùng không khí đặc lại nẩy tung lên. Mấy lần như vậy sà xuống thấp mới thấy mặt vịnh cũng còn đầy sương mù. Thứ sương mù vùng núi đồi xanh màu khói và đặc sệt. Đây là vùng cấm đánh cá cho nên không có chiếc ghe dã cào nào lai vãng. Không gian yên lặng dưới vịnh nhưng bên trong bờ là những cánh rừng cây xanh bạt ngàn đầy nghi ngại. Những tảng đá đen khổng lồ nằm chen mình bên dưới những khe suối là những nơi ẩn nấp lý tưởng để tránh cặp mắt dòm ngó của chúng tôi. Rà rà trên vịnh một chút thấy không có gì, tôi ra dấu cho Nay bay lên.
Ngọn Hải Đăng Tuy Hòa cheo leo trên sóng nước
Khi máy bay qua khỏi Hòn Vọng Phu, chúng tôi đã bỏ lại Nha-Trang tỉnh Khánh-Hòa sau lưng mình. Trước mặt là thành phố Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên. Ngọn Chóp Chài chơ vơ một mình nằm phơi mình dưới ánh nắng ban mai. Tôi mở máy liên lạc với Đài Kiểm Báo 202 Chóp Chài. Dưới đó có Thiếu Úy Trung, người làng Phú Khánh trên Thành, sau dọn xuống gần chợ Xóm Mới, Phước Hải, Nha Trang. Trung là Sĩ quan Đoàn viên thăng cấp sau khi học khóa Hải Quân đặc biệt. Tôi quen với Trung khi có một số Sĩ quan Đoàn viên đổi về Vùng 2 tạm trú để chờ đi trấn nhậm các Đài Kiểm Báo.
Tuy Hòa còn có Duyên đoàn 24 đóng gần cửa biển giáp với miệng sông Đà Rằng. Tôm càng ở đây ngon nổi tiếng. Có lần đi trực thăng từ Nha Trang ghé qua Tuy Hòa trước khi lên Deji, chúng tôi đã được thưởng thức món thịt heo lạnh đông sương và tôm càng Tuy Hòa luộc chấm với nước sốt đặc biệt của phu nhân Duyên đoàn trưởng khoản đãi. Ngon thật là ngon, cái món đặc sản này của Tuy Hòa ngoài món nem chua nổi tiếng.
2.- Buổi sáng ở Nha Trang thơm lừng mùi gió biển. Thứ Bẩy - Tôi lén mở cửa nhẹ nhàng để Ái không giật mình thức dậy. Tôi đặt lẹ quyển sách mới mua ngoài tiệm sách Thắng An lên bàn học. Nhìn Thúy Ái ngủ say, ngây thơ như một nàng tiên trong những truyện cổ tích. Đôi môi mọng đỏ chúm lại như mời mọc. “Thúy Ái, có phải Em là cánh hoa trong khu vườn mộng mơ của anh? Này hoa thơm, anh sẽ hôn lên, hôn lên từng cánh hoa kiều diễm của em nhé, đóa hàm tiếu đầy đặn quyến rũ của anh!” Tôi có thể nghe rõ từng tiếng đập nhẹ của con tim nàng. Bờ ngực đang phập phồng lên xuống qua chiếc áo cánh mong manh. Cứ nhìn vào cặp mắt đang nhắm lại như mơ màng cũng đủ làm cho tim tôi sôi động. Nhè nhẹ tôi nói: “Thúy Ái, anh về thăm Em đây…”


Lần đầu bên trường Nữ Trung học, nàng tung tăng bên tôi trong chiếc áo nữ sinh trắng tinh huyền hoặc. Nàng khoe chiếc áo dài mới may để mặc đi học.“Ái à em có nhớ không, ngày xưa lúc em còn bé, anh đến nhà thăm em thường đòi anh cho kẹo? Dạ, Em còn nhỏ quá mà thì đòi kẹo chớ sao! Còn bây giờ em là nữ sinh Trung học rồi, anh không thấy sao? Vậy à, thế cô nữ sinh bây giờ có còn đòi kẹo nữa không? Dạ không, em muốn thứ khác hà anh! Cái gì vậy, nói cho anh biết đi Thúy Ái! Em muốn anh chở em đi biển hóng gió mát. Rồi, còn gì nữa? Em muốn anh đưa em đi ăn phở gà ở Chụtt. Ừ, gì nữa? Xong rồi anh và em đi viếng chùa Phước Hải. Để chi vậy Thúy Ái? Để em cầu nguyện ơn trên. Ủa, mà em cầu nguyện chuyện gì? Bí mật mà… cái này thì em không chịu nói cho anh nghe đâu! Hì. Hì…”
3.- Buổi sáng ở Nha Trang thơm lừng mùi gió biển. Thứ Năm - Cả lớp học nhao nhao lên như một bầy ong vỡ tổ khi thấy tôi bước vào lớp. Tôi nhìn xuống bên dưới thì chỉ vội thấy nàng đang há hốc miệng ngạc nhiên nhìn tôi, hai cô bạn ngồi bên cạnh chắc cũng bỡ ngỡ không kém. Tôi mặc đồ đi biển, “hiên ngang” cúi chào ông thầy, và xin phép báo cho thầy biết là Căn Cứ Hải Quân Nha Trang đã chấp thuận yểm trợ cho việc đi thăm bãi Miếu của nhà trường vào cuối tuần này. Thầy nhìn tôi chắc để thẩm định xem là tôi đến đây chỉ có mục đích đó mà thôi hay còn gì nữa không. (Ông thầy dạy Anh văn khá nổi tiếng này rất là rất nghiêm khắc với học trò. Hồi đó tôi không học lớp Anh văn của ông mà học với cô Nguyệt Cầm. Lâu quá không nhớ tên cô là Nguyệt Cầm hay Ái Cầm, nhưng chỉ nhớ cô có cái răng khểnh rất duyên dáng. Lớp học của cô ở ngay góc đường Quang Trung, đối diện với tiệm hình Thọ Chương, cạnh rạp hát Tân Tiến.) Chắc thầy e rằng có ông Hải Quân này ở đây thì làm cho mấy cô học trò của ổng không chịu học bài chắc. Thầy cứ đứng nhìn tôi trân trân không nói gì, mãi cho đến khi tôi chào thầy xin phép ra về thì ổng mới sực tỉnh mà ra lệnh cho các học trò đứng lên để chào tôi. Thiệt ra việc tôi đến báo tin thẳng ở lớp học của nàng cũng là một việc làm “xâm mình” vì tôi chưa biết được cái hậu quả nó sẽ như thế nào. Tôi ra khỏi lớp mà lòng hơi ân hận cho cái việc làm không tính trước của tôi. Lỡ như ông Thầy nghĩ là việc tôi đến còn ẩn nấp cái “âm mưu” đáng nghi ngờ nào đó nữa thì chắc là nàng phải nghỉ học ở đó luôn!
4.- Buổi sáng ở Nha Trang thơm lừng mùi gió biển. Thứ Bẩy - Biển trong vịnh Nha Trang im như mặt nước hồ thu. Biển trong xanh đến nỗi ngồi trên tàu có thể thấy từng đàn cá chim đuổi nhau dưới biển trong hàng san hô trắng lung linh. Tôi nhờ ông Hạ Sĩ quan Duyên đoàn cho chiếc ghe ferro cement ghé sát vào cạnh cầu tàu để cho các học sinh leo lên.
Tàu đưa học sinh trường Nữ đi du ngoạn ở bãi Miếu. Từ Cầu Đá, ghe thuyền tấp nập ra vô như mắc cửi vào ban ngày. Ban đêm vì an ninh nên tàu bè bị cấm đi lại. Các cô cậu học sinh hôm nay gọn gàng trong những bộ quần áo thể thao vui cười hớn hở vì sắp được đi đảo du ngoạn bằng tàu Hải quân. Nói là tàu nhưng kỳ thực kỳ này chỉ là những chiếc ghe ferro cement mượn của Duyên đoàn. Đi ghe có cái tiện là có thể ủi thẳng vào bãi cho học sinh lên bãi. Vậy mà đến nơi tôi vẫn phải “bồng” Thúy Ái vào bờ vì bãi đậu đầy cầu gai bên dưới.
Bãi Miếu nằm trên một vịnh nhỏ của vịnh Nha Trang. Nước trong veo, nhìn xuống tận đáy, bên dưới là những con cầu gai đen nhánh trên mình tua tủa những cọng gai dài và nhọn hoắt. Lác đác vài con sao biển trườn mình đi kiếm thức ăn. Tôi nghe nói cầu gai tuy coi xấu xí vậy nhưng ăn rất ngon! Còn sao biển thì nhớ đừng có ăn nó. Cả hai đều rất có ích lợi cho hệ thống sinh thái của biển cả. Chưa bao giờ tôi ăn thử cầu gai vì thiệt ra trông nó xấu xí quá. Nhưng kìa những con cá đủ màu xanh, đỏ, vàng đang vây quanh tấn công một con cầu gai. “Ái ơi, lại đây anh cho xem cái này!”
Tôi chuyền cái mắt kiếng cho Ái đeo vào rồi cùng lặn sâu xuống xem cuộc chiến giữa con cầu gai cô đơn và bầy cá háu ăn. Lạ thay, con cầu gai trông dữ tợn thế mà không địch lại bầy cá đang thay nhau vờn quanh tấn công nó. “Ái ơi, mình phải cứu con cầu gai mới được!” “Làm sao đây anh?” Tôi hì hục lặn xuống sát bên cạnh cuộc chiến và tung ra một mớ bánh mì vụn rồi trồi lên lại. Lũ cá màu tranh nhau mấy miếng bánh mì quên hẳn con cầu gai. Nhưng bây giờ bọn cá lại quay theo chúng tôi để đòi ăn. Ái cười nứt nẻ sung sướng khi thấy cả hai chúng tôi đã hoàn toàn dụ được lũ cá màu đi chỗ khác…
Chúng tôi bơi lội, vui đùa thỏa thích, và tôi thì tận hưởng cái giây phút êm đềm trong sự hồn nhiên của Thúy Ái và bạn bè.
5.-Buổi sáng ở Nha Trang thơm lừng mùi gió biển. Thứ Hai - Bên trong phòng họp của Quân đoàn 2. Phòng họp ngập đầy ánh nắng ban mai của biển. Tôi đưa trả Đại úy Quý bảng tham dự có chữ ký của Hải quân rồi quay xuống tìm chỗ ngồi. Chút nữa là buổi thuyết trình hàng tháng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2/Quân Khu 2. Ông Tướng vùng và ban Tham mưu từ Pleiku xuống đây sẽ cùng nghe bản tin báo cáo tổng quát. Tôi chờ đến phiên mình, phần thuyết trình của hành quân hỗn hợp có dính líu đến Hải quân, sẽ trả lời những câu hỏi của họ. Thông thường thì tin tức nóng hổi nhất và mất nhiều thì giờ nhất vẫn là ưu tiên dành cho Bộ binh và Không quân. Hiếm khi có những tin nóng hổi của Hải quân. Ngay cả vụ những chiếc tàu chở bạch phiến xâm nhập vùng lãnh hải và bị bắt kéo vào Cầu Đá, Nha Trang cũng chỉ được thuyết trình qua loa rồi thôi!
Từ phòng họp Quân đoàn về đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân chỉ mất có 10 phút lái xe. Ông anh họ dễ thương của tôi, Trung úy Tự đã ngồi sẵn tươi cười chờ tôi lái đưa vào phi trường đi Sài Gòn công tác. Tôi móc hết tiền trong túi nhờ Trung úy Tự mua cho mớ măng cụt tươi chỉ có trong Sài Gòn. Ngoài chợ Đầm cũng có nhưng mắc quá! Chờ ông anh nhận lời xong, tôi vào Trung tâm hành quân gặp Trung úy Đông trình bày chi tiết. Thế là xong một buổi sáng đầu tuần.
Chiếc xe jeep ngừng ngay ở cổng trường. Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn 5 phút nữa đàn bướm trắng sẽ bay ra đây. Con bướm xinh xắn Thúy Ái của tôi thế nào cũng bay qua đây, thế nào cũng nhìn thấy tôi. Ừ tôi sẽ dành cho nàng chút ngạc nhiên … Nhưng tôi ngạc nhiên thì có vì cổng trường đã mở và không biết bao nhiêu cánh bướm đã bay ra mà bóng hồng của tôi vẫn biền biệt. Chắc em bị bệnh? Hay hôm nay cúp cua đi đâu đó? Hay em bị phạt phải ở lại lớp chép bài? Trong lúc đầu óc của tôi đang phân vân biết bao câu hỏi, vì tôi cũng ngạc nhiên sao không thấy mấy cô bạn thân của Ái nữa! Tôi định leo xuống xe vào trong khuôn viên trường để tìm thì bỗng nghe có tiếng cười khúc khích ở đằng phía sau xe…Vậy là tôi chào thua mấy cô luôn. Thì ra Thúy Ái và hai cô bạn đã thấy tôi trước cho nên ra cửa khác ở phía sau len lén hù tôi! Trong khi đó tôi thì cứ hồi hộp nhìn vào cổng chính. A ha! Chuyến này anh thua mấy cô một keo. Thúy Ái hỏi tôi chiếc xe Honda đâu mà lái xe jeep? Lại còn đậu ngay gần cổng nữa thì ai mà dám lại gần… trời!? Vậy mà cũng có người dám lại gần đó chứ. Tôi cười và đưa tay đỡ cho các cô lên xe. Tôi để Thúy Ái ngồi đằng trước, và hai cô bạn phía sau rồi mới phóng xe chạy về phía biển.
“Ái à, hôm nay anh đãi mấy cô một chầu phở Chụtt.”
6.-Buổi sáng ở Nha Trang thơm lừng mùi gió biển. Thứ Tư - Cơn gió biển hiền hòa mà tôi đã hít thở từ lớp đệ Thất cho đến đệ Nhất B4. Tôi bỏ năm đệ Nhị mà học đêm ở trường Đăng Khoa với thầy Minh dạy Lý Hóa, thầy Phương dạy toán. Tôi mê hai ông thầy này về phương pháp dạy cũng có, mà vì mê cái ý tưởng thi đậu Tú tài bán phần trước một năm. Cho nên ban ngày học đệ Tam ở trường Võ Tánh, ban đêm tôi học đệ Nhị ở Đăng Khoa. Cuối năm thi đậu tú tài phần một, tôi nhảy lên học đệ Nhất ở Võ Tánh. Cuối niên khóa, thi đậu tú tài hai xong là tôi từ giã thành phố biển vào Sài Gòn ứng thí. Chân ướt chân ráo vào Sài Gòn tôi nhập bọn với các bạn như Thạch ở Thanh Minh, Bắc, Vượng ở Xóm Cồn Nha Trang. Chúng tôi mướn nhà trong cư xá hỏa xa Lý Thái Tổ vì không tìm ra chỗ trong Đại học xá Minh Mạng. Ở đây gần sát bên Đại học Khoa học, Sài Gòn cho nên trong khi chờ kết quả các cuộc thi tuyển cả bọn đều ghi danh học ở Khoa học. Chưa hết chúng tôi còn lên bưu điện Sài Gòn thi thử. Kết quả là cả bọn được tuyển vào làm nhân viên phù động ở đài phát tuyến Sài Gòn. Ban ngày đi học ban đêm đi làm. Không biết có phải vì thế mà chúng tôi không đậu nổi cái chứng chỉ Toán Lý Hóa (MPC) của Khoa học? Đã thế sau vài hôm đi làm ở Bưu điện, tôi lại nhận lời dạy kèm cho cô con gái và cậu con trai ông xếp lớn đang theo học trung học. Đầu năm 1968, cả bọn từ giả Sài Gòn để về Nha Trang ăn Tết Mậu Thân. Khi vào lại Sài Gòn, khu cư xá hỏa xa Lý Thái Tổ đã tan tành. Sách vở cháy hết, bọn chúng tôi lại không biết phải đi đâu, đành kéo nhau về tá túc tại Đại học xá Minh Mạng. Bọn “Nha Trang” chúng tôi che làm phòng bằng những tấm carton cũ trên tầng lầu của một cái cao ốc bỏ hoang để ở tạm. Tưởng được yên thân, nào ngờ không biết ông nào nấu nướng ra sao đó đã lỡ tay làm cháy lan trọn mấy căn phòng dã chiến. Lần này chỉ còn tôi và Thạch dọn đi tìm được chỗ trú ngụ, nhưng cách xa đại học Khoa học cả tiếng đạp xe đạp. Đã thế chúng tôi bắt đầu phải học thêm bán quân sự học đường. Ban ngày đội nón “ca lô” xếp hàng học cơ bản thao diễn, ban đêm mang súng đi gác trên các cao ốc nằm ở bên ven đô thành. Cứ thế cuối năm phải lấy được cái chứng chỉ dự bị MPC, không thì phải xếp bút nghiên trình diện Trung Tâm 3 Nhập Ngũ. Lằng nhằng như thế được thêm một nửa niên học nữa thì có lệnh tổng động viên.
Một buổi sáng Thạch chạy về lật đật tìm tôi và nói:”Tao đăng Nhảy dù rồi”. Tôi chỉ biết há hốc mồm ngạc nhiên mà không biết phải nói gì. Ông bạn hiền, vóc dáng thư sinh mà nay mai sẽ trở thành thiên thần mũ đỏ. Còn tôi? Trên tay chỉ còn cái thẻ sinh viên sắp hết hạn. Tương lai chẳng biết sẽ đi về đâu. Ra đường lạng quạng là bị hốt đưa lên Trung tâm 3 tuyển mộ nhập ngũ!
Thiệt là lạ, bằng một cách nào đó tôi thấy tôi đang lang thang bên khu phố chợ Bến Thành bên khu bán trái cây. Mùi trái cây thơm tho đánh vào cái khứu giác của tôi êm đềm một cách kỳ lạ. Những trái táo tây tròn trịa được mở ra bày xếp nửa kín nửa hở trông thật hấp dẫn. Nhưng cái sức quyến rũ tôi biết chính là mùi thơm bay ra trong không gian khiến tôi cứ lần bước theo nó. Hồi đó thuở còn là sinh viên làm gì có tiền đủ mà mua táo tây! Vậy là tôi cứ thọc tay vô túi quần đi cho hết cái dãy bán trái cây sang trọng đó vừa thể thao vừa để thưởng thức mùi thơm. Bỗng nhiên có tiếng tu húyt thổi toe toe của cảnh sát ở đằng trước. Họ đang dàn hàng ngang xét giấy căn cước ở đầu đường. Thẻ sinh viên của tôi vẫn chưa hết hạn nhưng cứ theo cái “ngữ” này thì thế nào mình cũng bị hốt. Cảnh sát có quyền bắt mình về bót kiểm soát rồi nếu đúng bị bắt lầm họ mới thả ra. Mình là dân Nha Trang, nếu có bị bắt thì cũng phải chờ cả tuần lễ họ mới liên lạc được để kiểm chứng với địa phương. Chừng đó, eo ôi “hàng thần lơ láo, phận mình ra sao?” Trong 36 kế, chỉ còn có “tẩu vi là thượng sách”, thôi thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào!” Tôi định lùi về phía sau lẻn sang con hẻm khác nhưng than ôi, phía sau cũng bị phong kín đường về. Tôi than thầm thế này thì coi như “xong một đời trai” rồi còn gì? Thằng Thạch vậy mà có lý, nó đăng nhảy dù thì còn sợ gì ba cái vụ bắt bớ quân dịch này chớ! Tôi nghĩ giá mà có cái trung tâm tuyển mộ lính nhảy dù ở đây thì tôi xà vào ngay! May quá, tuy không có cái trung tâm tôi muốn nhưng có cái khác: Trung tâm tuyển mộ Sĩ quan Hải quân. Tôi đọc kỹ rồi bước vào…
7.- Buổi sáng ở Nha Trang thơm lừng mùi gió biển. Chủ Nhật - Tôi trở về Nha Trang, Trung tâm huấn luyện Hải quân Nha Trang với hơn 200 bạn bè cùng lứa tuổi. Tôi về lại với những con phố quen thuộc của thời tóc húi cua. Con đường Bá Đa Lộc thân yêu chảy dài xuống biển. Hàng cây hai bên đường vẫn còn đó, rì rào bóng mát yêu thương. Hàng chè đậu xanh, đậu đen trước cổng trường Võ Tánh vẫn còn đó. Nhưng tôi không còn là cậu bé áo trắng quần xanh tay cầm khúc bánh mì, tay xách cặp táp nô đùa với chúng bạn trước cổng trường nữa. Tôi đã là một chàng thanh niên trong bộ quân phục Hải quân đi bờ màu trắng. Tôi đứng nhìn lại tôi trong quá khứ dưới ánh nắng chan hòa của thành phố biển. Bây giờ ngôi trường sơn màu vàng đã có thêm nhiều thầy cô khác. Thế hệ mới đang thành hình, 10 năm qua rồi còn gì!
Ngày ra trường Sĩ quan Hải Quân, tôi và cha tôi thả bộ dọc theo hành lang các lớp sau buổi lễ. Ông không nói gì có lẽ vì cũng chẳng có điều gì phải nói. Ông là nhà giáo dạy học, còn tôi là một Sĩ quan Hải Quân mới ra trường. Trong thâm tâm cha tôi vẫn mong là tôi sẽ trở thành một người thầy giáo như ông. Nhưng bây giờ lại khác. Tôi đã thành một người lính biển theo đời sống hải hồ. Ông không biết sẽ phải khuyên tôi như thế nào! Nhưng chắc cũng chỉ cầu mong cho tôi được an toàn trước những sóng gió phong ba trước mặt. Con tàu tôi đi thực tập mang tên USS Navasota, chứa không biết bao nhiêu là dầu, to lớn như một thành phố nổi. Vậy mà trước cơn phẫn nộ của trùng dương, nó hụp lên hụp xuống giống như người say rượu, lảo đảo trong cơn mưa thịnh nộ của cơn bão biển. “Ra khơi, biết mặt trùng dương, thấy lòng phơi phới…” chắc là để diễn tả một trùng dương êm đềm lặng sóng. Chớ còn bây giờ tôi mới thấy được sức mạnh của đại dương. Nó “quần” chiếc tàu của chúng tôi như chiếc mền rách! Thật là hãi hùng nhất là đối với những sĩ quan trẻ mới ra trường như chúng tôi. Sau vài tháng thử lửa trên Đệ Thất Hạm Đội, chúng tôi về Sài Gòn chọn đơn vị. Tôi bắt trúng Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 2 Duyên hải đóng ở Nha Trang.
Bờ Biển Nha Trang
8.-Buổi sáng ở Nha Trang thơm lừng mùi gió biển. Thứ Ba - Tôi về lại Nha trang. Đây là lần thứ mấy? Không cần biết, số mệnh đưa đẩy tôi lại về với thành phố biển thân yêu của tôi.
Mùi gió biển năm nào lại tràn vào hai buồng phổi. Tôi hít nhẹ vào để đè nén sự hồi hộp khi thấy con tim mình rung động nhẹ nhàng trước vẻ đẹp yêu kiều của những người con gái biển. Thúy Ái đã lớn lên trong tình yêu man dại của tôi. Tôi cũng vậy, đây nụ hôn đầu tiên quấn quít trong làn gió biển. Những ngày về lại làm việc ở Nha Trang, tôi gặp Thúy Ái như gặp lại bóng hình của chính mình mười mấy năm về trước. Tôi đam mê nàng với bao sự nũng nịu dịu dàng cũng có, mà nghịch ngợm cũng có. Mùa Xuân đã đến với tôi vô hạn kỳ. Có nàng là có mùa Xuân dù nắng hay mưa, dù phong ba hay nắng ấm. Với nàng tôi luôn luôn tìm thấy bóng thiên đường của thành phố biển. Thành phố hiền lành nhân hậu bảo bọc tình yêu chúng tôi muôn đời, Nha Trang ơi…


Ngô Thiện Tánh

No comments:

Post a Comment