Tên của “hảo hớn” lái “đầm già” Lê Phong nghe rất là
..”trinh thám” ! Thật vậy, Lê Phong có tài rình rập đạt kết quả một trăm
phần trăm, từ rình rập các nàng hơ hớ đào tơ đến rình rập bọn “Vi-Xi”,
Lê Phong đã “thộp” thì khó mà sẫy đươc.
Khi Phi Đoàn 122 được thành lập năm 1970, có nhiều “hảo hớn” từ bốn
phương qui tụ dưới “bảng hiệu” Thần Tiển” do một chàng mặt lạnh như tiền,
thân hình phục phịch giống như đệ tử của Đường tăng Tam Tạng . Đó là
“chưởng môn” Họa Mi Trần Trọng Khương, hỗn danh là “Khương Heo”. Từ đất
Đồng Nai, Xứ Bưởi ngọt như đường cát, mát như đường phèn xuống đầu quân
cho Phi Đoàn tân lập, có chàng Lâm Quang Trọng, hỗn danh là “Trọng Khùng”,
rất “nặng phần trình diễn”, người đã lập ra đài phát thanh Hoa Phượng ở
Biên Hoà với chương trình nhạc trữ tình “bẹt-ma-năng”, phi cơ nào trên
không trình về Sài gòn muốn nghe nhạc thì mở “Radio” và nghe ..mệt nghỉ
! Có một chàng lầm lì, ít nói, con trai của quốc vụ khanh Phan Quang Đán,
tên là Phan Quang Tuấn, mang hỗn danh là “Tuấn Khùng”. Tay hảo hớn thứ
ba là một tay chọc trời khuấy nước, đã từng ngạo nghễ và thách thức với
tử thần, võ công pha trộn nhiều thứ : nhu đạo, thái cực đạo, “vovinam”
và cả thần quyền nữa. Chàng nầy là Lê văn Tống, biệt danh là Lý Tống.
Hảo hớn thứ tư đến từ cái xứ có “nhà thương điên” nổi tiếng là một chàng
có tầm vóc chắc chỉ vừa đủ điều kiện cân đo để gia nhập “môn phái phi
hành” (Có khi chàng phải cố nuốt trọng cả một đòn bánh tét trước khi
đứng lên cái cân bàn mới tròm trèm đủ 50 kí lô). Chàng có đôi mắt Đại
Hàn, hàm răng “bàn nạo dừa”Bến Tre (nếu ân ái với một nàng có hàm răng
“mái Tây hiên” thì không thể nào hôn môi được !), mái tóc hớt ngắn và có
lẻ không bao giờ chải gở, dáng người xương xẩu, ngực luôn ưởn về phiá
trước giống như cái ức của con chim se sẻ đã nhổ hết lông. Hảo hớn
Trương Hải Yến, hỗn danh là “Yến Fulro”, đến từ Phi Đoàn 114 – Nha Trang
thường gọi đó là cái “ngực gò mối” để trêu chọc chàng ta. Hảo hớn nầy
lại có cái mông lép xẹp nên luôn luôn mang khẩu “ru-lô” P.38 trong túi
áo lưới “survival” vì nếu chàng mang dây nịt với súng đạn như “cô-bồi
Texas” thì dây nịt sẽ bị tuột xuống đất ! Đó là Lê Phong, biệt danh là
“Thám Tử Lê Phong”. Người có cái tên trinh thám nầy rất được đám “quần
hùng” gồm những nhân vật vừa giới thiệu ái mộ .
Đôi mắt Đại Hàn của Lê Phong sáng quắc như đèn pha,
chỉ cần quét qua gò ngực, của giai nhân thì đã biết đồ thiệt hay đồ giả,
bởi vậy “ốp-xẹc” già khám phá mục tiêu trên vùng hành quân nhiều khi còn
phải phục Lê Phong có đôi mắt xuyên ni-lông, chọc thủng cao su ! Phản
ứng của hảo hớn nầy nhanh như sóc, lẹ như cheo. Tuy không có được diện
mạo ăn khách như những chàng lính hào hoa, đẹp trai để rù quến người đẹp,
nhưng Lê Phong có duyên ăn nói và nói rất tiếu lâm khiến các nàng cười
đứt cả nút lưng quần. Bởi vậy mà chàng về Trà Nóc một thời gian rất ngắn
thì có một người đẹp của xứ chùa tháp từ trên cái tỉnh cận biên có nhiều
loại mắm, xuống Tây Đô tìm Lê Phong .
Lê Phong “ra lò” từ khoá L.1 tại Trường Phi Hành, thuộc Trung Tâm Huấn
Luyện Không Quân – Nha Trang (Khoá 62B), bay rất giỏi, rất bạo, rất đẹp
và rất dẻo dai, có khi mỗi ngày bay hai ba phi xuất lúc chiến trường sôi
động. Sau những ngày “đi mây, về gió”, Lê Phong thường du hí với các tay
hảo hớn thân thiết ở Bến Ninh Kiều hay Bến Xe Mới Cần Thơ hoặc là gầy
sòng “binh sập sám” tại cư xá độc thân, hay là cùng ngồi quay quần với
chiến hữu, vừa nhậu lai rai vừa đọc và dịch dâm thư của Mỹ quốc cho bè
bạn nghe. Lê Phong “phục vụ khách má hồng” rất là ..kiểu cọ, có cái kiểu
chàng ta đặt tên là “Thằng gù giựt chuông nhà thờ Đức Bà” rất là ..hấp
dẫn mà khi Lê Phong làm biểu diễn viên cho kiểu nầy khiến ai cũng ôm
bụng mà cười ngất. Chàng ta làm huấn luyện viên hoa tiêu và giữ chức vụ
sĩ quan an phi trong đơn vị được vài năm thì xin đi Mỹ học lái loại phi
cơ “Porter”. Từ đó, hảo hớn Lê Phong vắng dạng ở Tây Đô. Khi chàng về
nước, nằm chờ đợi hoài mà không thấy chính phủ Mỹ giao loại phi cơ
“Porter” cho Việt Nam.
Sau ngày quốc hận 30 tháng 4 năm 1975, tôi bị vào tù. Tôi tưởng Lê Phong
(nhanh như sóc, lẹ như cheo) đã cao bay, xa chạy sang đất nước cờ hoa,
nhưng chàng ta cũng ở tù như tôi và năm 1986 tôi gặp laị Lê Phong tại
nhà hảo hớn Vũ Hiếu Mưu (chàng nầy cao như sếu cồ, ngày trước hay đi bay
chung với Thám Tử Lê Phong ở Phi Đoàn 112 – Biên Hoà) Đêm đó, trên cái
gác xép của nhà chàng Mưu, tôi và Lê Phong hàn huyên, tâm sự đến 4 giờ
sáng .
Lê Phong bị giam ở trại Nam Hà . Bà vợ lớn ở Cần Thơ không đi thăm nuôi
chàng ta, bà vợ nhỏ rất ít đi thăm chồng vì hoàn cảnh xã hội lúc đó rất
khó làm ăn để kiếm ra tiền. Lê Phong nhờ có tài “Jungle Survival” (1)
nên được sống còn đến ngày về. Trên rừng, Lê Phong đánh bẫy chồn, cáo;
dưới suối, chàng bẫy cá, bẫy cua đinh. Những khi bẫy được những con cua
đinh nặng mấy chục kí lô, Lê Phong mời gần 40 bạn tù cùng ăn thịt để
“bồi dưỡng” sau những tháng năm chịu đói lạnh trong ngục đỏ. Có lần đi
lao động trong rừng, Lê Phong thấy một con kỳ đà to lớn đang nằm ngủ, (ước
chừng nó nặng khoảng 20 kí lô). Trong tay không có một tấc thép, làm sao
giết được con vật béo bổ, nên thuốc nầy, Lê Phong quyết định nhào tới
tóm lấy con kỳ đà và dùng tay phải siết cổ nó. Con vật lồng lộn lên cố
chống chọi để vượt thoát khỏi vòng tay gọng kềm của chàng ..”dũng sĩ đói”
. Nó cào cấu mình mẫy và tay chân của Lê Phong, rách da, chảy máu nhiều
chỗ. Chàng ta bị đau đớn vì thương tích nên đổ quạu càng siết chặt cổ
con kỳ đà. Người và vật lăn lộn nhiều vòng trên mặt đất trải đầy lá mục,
giống như đoạn phim “tarzan” đâm cá sấu. May mắn thay, khi Lê Phong sắp
kiệt lực thì con kỳ đà cũng vừa tắt thở. Chàng khấp khởi mừng, vừa thở
hổn hển vừa dùng mảnh chai bén nhọn mổ bụng con kỳ đà để móc lấy bộ đồ
lòng, còn xác của nó , chàng đem giấu vào trong bụi rồi kín đáo báo tin
cho bạn tù biết để họ đến, cắt thịt con kỳ đà, giấu vào lon gô để nấu ăn
.
Trong trại có trồng biểu diễn một dây bí rợ, trái to bằng cái bánh xe
với lệnh cấm : “Trộm bí sẽ bị nghiêm trị!”. Những người tù đói khổ nhìn
“trái cấm” mà thèm thuồng đến chảy nước miếng. Lê Phong nổi máu “nghĩa
hiệp” bèn hái trái bí khổng lồ, vác về láng trại, chặt ra từng mảnh,
chia cho anh em tù nhân. Chỉ có duy nhứt một người tù không nhận “miếng
bí của tình thương”. Chính tên nầy lên trại báo cáo Lê Phong trộm trái
bí cấm. Chàng ta bị cùm và lảnh án bị .. cắt cổ. Bọn cán bộ xách động tù
nhân phải đưa tay biểu quyết xử tử Lê Phong. Sau đó, chúng đem chính
sách “khoan hồng nhân đạo” bịp bợm của bác(chồn) và đảng (cướp) để tha
chết cho Lê Phong, nhưng chàng ta phải bị nhốt trong cái hầm đất do
chính chàng đào, thời gian thọ phạt là một tháng trường .
Món ăn đặc biệt của Lê Phong chế biến là món “cháo huyết”. Chàng bắt con
đĩa trâu đã sung tích đầy máu, to gần bằng con đồn đột biển (hải sâm),
bỏ vào lon gô để nấu với ít gạo và lá cây mắc cở gai (giống như loại rau
nhúc để nấu canh chua ở miền Tây ) . Món nầy chàng nói rất bổ và ngon
hơn cả cháo huyết ngày xưa .
Lê Phong được giao nhiệm vụ ..chăn bò. Ngày ngày
chàng dắt đàn bò ra vùng rẫy bái lân cận trại tù để cho bò ăn cỏ. Ngày
trước, Lê Phong có tài rình rập VC và rình rập các nàng. Bây giờ Lê
Phong bị một nàng thôn nữ rình rập mà chàng không biết. Khi Lê Phong
đuổi đàn bò đi tới những nơi vắng vẻ thì nàng thôn nữ lò dò đi theo ở
đàng sau, nhưng nàng chưa nói lời nào với Lê Phong. Hôm ấy, trời lất
phất mưa, Lê Phong chui vào một bụi rậm để trú mưa. Đang ngồi lim dim
ngủ gật thì nàng thôn nữ xuất hiện và xin phép Lê Phong cho nàng cùng
ngồi trong bụi rậm để chờ cho qua cơn mưa vừa thấm ướt áo nàng. Lê Phong
mời nàng vào, hai người ngồi cạnh nhau, trước lạ, sau quen và tình cảm
dần dần tới gần hơn, gần hơn nữa. Thế rồi chuyện gì sẽ đến đã đến. Lê
Phong như lạc đến đỉnh Vu sơn, bao nhiêu háo hức, rạo rực của khát vọng
ái ân lâu ngày dồn nén như chiếc AD6 “load” đầy bom đạn mà không có mục
tiêu để ..giải toả. Do đó mà khi “salvo”(2), Lê Phong bị …”vertigo” (3),
nằm ..bất tĩnh giống như chàng Tiết Giao đời nhà Đường bị Hồ Nguyệt Cô
(con chồn tu thành người) hút hết ..”xí quách” !
Nàng thôn nữ thất kinh hồn vía khi thấy “bạt-nơ” (4) của mình đang nằm
ngáp gió, vội chạy một mạch về nhà, đánh xe bò đến và chở Lê Phong về
trại tù. Đến cổng trại, nàng báo với lính gác :
-Anh nầy chăn bò , bị trúng gió nằm bất tĩnh ngoài kia, tôi đưa về đây .
Lê Phong được đưa đi cứu cấp. Mấy ngày sau, chàng lành bệnh, tiếp tục
làm “cowboy”, khi ra đến rẫy thì gặp lại nàng thôn nữ ở nơi gặp gỡ mấy
hôm trước. Nàng vui mừng rối rít, chạy đến hỏi thăm sức khoẻ của Lê
Phong. Sau khi đàn bò đã nhởn nhơ gậm cỏ thì nàng rủ Lê Phong vào bụi
ngồi trò chuyện. Nàng mở bọc lá chuối ra, trao cho Lê Phong một củ khoai
lang to bằng nắm tay , mỉm cười tình tứ, nói :
-Hôm ấy em sợ anh chết. Có lẻ vì anh đói và mệt nhọc nên bị .. ngất đi.
Hôm nay, em mang đến cho anh một củ khoai lang. Anh hãy ăn no ! chắc sẽ
không có chuyện xảy ra như hôm ấy nữa đâu !
Lê Phong được chuyển từ trại tù Nam Hà về trại Gia Trung đúng vào đêm
giao thừa năm 1981. Nàng thôn nữ đa tình kia đâu biết rằng người nàng
yêu đã xuôi về phương Nam. Lúc xe lửa chạy ngang qua thành phố, dân
chúng thi nhau ném bánh mì, kẹo và thuốc lá lên xe cho những người tù mà
sáu bảy năm trước đây họ đã ném đá vào mặt và chữi rũa là bọn “Nguỵ”,
tay sai của đế quốc Mỹ khi những chuyến xe lửa chở tù nhân từ Nam ra Bắc
để đày ải, giam cầm .
Chuyện nổi bật nhứt về cái tên trinh thám của Lê Phong là một phi vụ
thám sát vào cuối năm 1965 khi chàng và hảo hớn Vũ Hiếu Mưu từ Phi Đoàn
112 – Biên Hoà đi biệt phái cho quận Phước Thành. Trước kia, Phước Thành
(hay gọi đầy đủ là Phước Bình Thành) là một quận lỵ do Thiếu Tá Mân làm
Quận Trưởng. Trong môt đêm tối trời , Việt Cộng mở cuộc tấn công tràn
ngập Phước Thành, Thiếu Tá Mân đã anh dũng hy sinh trong trận chống trả
quyết liệt với địch quân. Thiếu Tá Lưu Yểm được bổ nhiệm làm quận Trưởng,
thay thế Cố Trung Tá Mân.(Sau nầy, Phước Thành được nâng lên thành tỉnh
lỵ).
Quận nầy nằm ở phía nam Đồng Xoài và cách Biên Hoà khoảng 35 dặm về phiá
bắc. Tân Uyên cũng nằm ở phía bắc và cách Biên Hòa khoảng 2 dặm, có một
con đường tráng nhựa từ đây dẫn lên Phước Thành. Hai bên đường là rừng
cao su bạt ngàn.
Lúc Trung Úy Thám Tử Lê Phong và Chuẩn Úy Vũ Hiếu Mưu đến Phước Thành
thì được Thiếu Tá Lưu Yểm cho biết tình hình địch và bạn ở khu vực trách
nhiệm của quận. Điều phải đề cao cảnh giác là hiện tại trong quận có một
tổ Việt Cộng nằm vùng đã hoạt động tuyên truyền, phá hoại, thu thập tin
tức của ta để đưa vào mật khu của bọn chúng. Trận “overrun” (5) vừa rồi
khiến Thiếu Tá Mân bị tử thương cũng do tổ đặc công này làm nội ứng
trong quận lỵ. Nếu triệt hạ được bọn VC nằm vùng nầy thì mới mong vãn
hồi đuợc an ninh trong quận. Lưu Yểm khẩn thiết nói với Phi Hành Đoàn
Phong – Mưu :
-Nếu anh em bắt được trọn ổ bọn nằm vùng nầy thì tôi sẽ thưởng 15.000
đồng để uống bia chơi !
Thám tử Lê Phong cười thầm cho anh chàng Lưu Yểm đánh giá chiến sĩ Không
Quân quá thấp, đã dùng tiền để chiêu dụ phi hành đoàn L.19 bắt bọn VC
nằm vùng, nếu không có tiền thì “lính hào hoa” chúng tôi thoái thác
trách nhiệm “Bảo Quốc Trấn Không”hay sao? Vả lại số tiền nầy, làm sao mà
hưởng được nó vì phi cơ L.19 thì bay trên trời còn bọn VC nằm vùng thì
sống lẫn lộn với dân chúng trong quận, rất khó mà bắt được chúng !?
Nhưng, Thám tử ta chợt nghĩ dến một người bạn nghèo cần được giúp đỡ,
nếu may mắn “mò được kim ở đáy biển” thì bạn mình sẽ đỡ khổ. Lê Phong
liền nhận nhiệm vụ bắt tổ VC nằm vùng và yêu cầu Thiếu Tá Lưu Yểm hãy
giữ lời hứa .
Phi Hành Đoàn Phong – Mưu thường bay phi vụ VR (Visual Recue) (6) với hy
vọng tìm ra manh mối tổ VC trong quận, nhưng qua nhiều ngày săm soi, tìm
kiếm khắp vùng, phi cơ tốn hao xăng nhớt mà không khám phá ra tin tức gì
liên quan đến lũ “chuột”.
Vào một ngày gần cuối năm 1965, Thám tử Lê Phong và Vũ Hiếu Mưu thi hành
phi vụ thám sát lúc 2 giờ trưa. Phi hành đoàn cất cánh ở Phước Thành và
bay nhiều vòng trong khu vực trách nhiệm. Trong khung phòng chiếc phi cơ
quan sát mịt mù khói thuốc lá vì hai anh chàng Phong – Mưu hút thuốc như
“bếp un”, điếu nầy vừa “hạ vọng” thì điếu khác đã “động quan” ! Trong
“headsets” (7) của hai chàng, giọng ca Phương Dung buồn da diết trong
nhạc bản “Những đồi hoa sim”. Nền trời xanh thẳm, những cụm mây
“cumulus”như những tảng bông gòn trôi rải rác đó đây. Con đường huyết
mạch từ Tân Uyên dẫn về Phước Thành nằm phơi mình, loang loáng ánh nắng
ban trưa và vắng vẻ, không một bóng xe xuôi ngược . Rừng cao su um tùm
như đang thiêm thiếp ngủ. Bỗng phi hành đoàn khám phá ra một chiếc xe
đậu sát lề đường, có 3 người đang dùng búa cán dài đốn ngã những cây cao
su làm chướng ngại vật chắn ngang trục lộ giao thông. Vừa thấy phi cơ,
bọn người ấy vội đứng núp dưới gốc cao su . Mưu la lớn trong
“intercom”(8):
- Việt Cộng đấp mô đấy !
Lê Phong vội quẹo gắt phi cơ đi hướng khác. Khi bay cách điểm vừa khám
phá ra mục tiêu được vài dặm, Phong bay vòng tròn như đang quan sát một
điểm khác để đánh lừa bọn VC. Thấy phi cơ “đầm già” đã bay sang chỗ khác,
3 tên VC lại tiếp tục hạ cây cao su để chất thành cái mô. Sau khi xong
công việc phá hoại, chúng lên chiếc xe “Simca 1000” màu xanh dương và
chạy về hướng Phước Thành. Thám tử Lê Phong đã nhận dạng được chiếc xe
nầy thường di chuyển trong quận lỵ. Chiếc xe chạy đến đâu thì vẽ thành
vệt đen trên đường nhựa. Phong suy luận và quả quyết nói với Mưu :
-Xe nầy chở nước đá đấy bác !
-Đúng đấy ! mình báo cho Thiếu Tá Lưu Yểm biết nhé !
Mưu mở máy vô tuyến FM , tần số hẹn 36.0 để báo cho Lưu Yểm biết toạ độ,
nơi VC đấp mô và phương hướng chiếc xe đang chạy về quận . Lê Phong nói
với Lưu Yểm, tiếp theo lời Mưu :
-Ông hãy thay đồ “civil” và ra phi trường đón chúng tôi. Tôi sẽ dẫn ông
tới nơi, tới chốn .
Phong bay thật thấp và đáp xuống phi trường để cho 3 tên VC trên chiếc
xe “simca 1000” kia tưởng rằng chiếc máy bay “đầm già” mà chúng thấy
trên vùng trời là ở nơi khác bay đến. Lưu Yểm mặc thường phục ra đón
Phong và Mưu với gương mặt tươi cười, rạng rỡ. Xe chạy qua các con đường
trong quận thì Thám Tử Lê Phong thấy chiếc xe “simca” xanh ấy đậu trước
quán hủ tiếu mà người ta thường gọi là “Quán 3 cô” vì quán nầy có 3 cô
gái xinh xắn nấu bếp và chạy bàn. Lưu Yểm cùng phi hành đoàn vào quán,
giả vờ ngồi uống nước rất tự nhiên. Trong quán lại có 3 thanh niên phục
vụ thực khách. Lê Phong nói rỉ tai với Lưu Yểm :
-Có lẽ 3 thằng nầy !
Lưu Yểm bèn đóng kịch tươi cười , hỏi :
-Chú em nào lái chiếc xe nầy ?
Một tên thanh niên trả lời :
-Dạ em ! có chi không Thiếu Tá ?
Lưu Yểm vẫn giữ vẻ mặt bình tĩnh , ôn tồn nói:
-Tôi muốn nhờ em và 2 em kia phụ giúp chúng tôi khiêng một số vật dụng
trong quận. Anh em có bằng lòng không ?
Cả 3 tên đều đồng ý. Lưu Yểm mời họ lên xe và đem giải giao cho ban thẩm
vấn, điều tra. Kết quả là 3 tên ấy đã khai ra thêm 13 tên VC nằm vùng
khác. Thế là Lưu Yểm sai thuộc cấp tóm trọn tổ VC trong quận. Thám tử Lê
Phong và Vũ Hiếu Mưu có ngờ đâu thiếu Tá Luu Yểm được thượng cấp khen
thưởng và bội tín với phi hàng đoàn L.19 đã có công lao rất lớn đối với
quận Phước Thành. Ông ta làm lơ khi Lê Phong nhắc đến món tiền thưởng
15.000 đồng .
Đến khi ông ta được cất nhắc lên làm Tỉnh Trưởng Tỉnh Phước Long, Lê
Phong đi biệt phái, gặp “cố nhân”, nhắc lại chuyện cũ, ông ta cũng phớt
lờ luôn !
Ngày 14 tháng 4 năm 1975, Lê Phong gặp lại Lưu Yểm
đang là Tỉnh Trưởng Tỉnh Biên Hoà, trong dinh của ông ta có nuôi 3 con
gấu, Lê Phong ngõ ý mua lại một con, ông ta vẫn không bán. Thời gian nầy,
tình hình đang xáo trộn, sắp đưa đến ngày quốc hận 30 tháng 4 mà Lưu Yểm
vẫn còn tiếc một con vật đối với người đã làm lợi cho ông .
Khi Lê Phong đi định cư ở Biloxy thuộc tiểu bang Mississippi thì trời
xuôi đất khiến gặp lại Lưu Yểm cũng về xứ nầy sinh sống. Lưu Yểm mời Lê
Phong và một số thân hữu dự một bữa tiệc do ông ta thết đãi ở một nhà
hàng. Hôm ấy, Lê Phong bận việc nhà, không đi dự tiệc được. Ngày hôm sau,
Lê Phong nghe những người dự tiệc nói lại : Lưu Yểm rất buồn vì Lê Phong
không đến để cho ông ta chuộc lại lỗi lầm với người mà ông đã thất hứa
hơn 30 năm về trước. Thật ra thám tử Lê Phong không còn buồn phiền Lưu
Yểm nữa vì hiện tại ông ta cũng cùng chung kiếp sống lưu vong với chàng,
nên phải thương ông ta nhiều hơn .
Thời gian sau, Lưu Yểm lâm trọng bệnh và qua đời, Thám tử Lê Phong đã
cùng bằng hữu đưa người đã gắn bó với chàng kỷ niệm khó phai mờ đến nơi
an nghỉ sau cùng .
Từ cái ưu điểm nhanh như sóc, lẹ như cheo (nói chung là lanh lẹ) đã giúp
Lê Phong trở thành ông chủ tiệm “Grocery” để nuôi đàn con ăn học thành
tài. Ngày xưa còn phục vụ trong quân chủng Không Quân, chàng ta đã sống
ngay thẳng, cậy vào khối óc, bàn tay và tài năng của mình chớ không dựa
dẫm vào một phe phái hay bợ đỡ cấp chỉ huy để được thăng quan tiến chức.
Nói chuyện với thám tử Lê Phong bằng điện thoại, tôi nghe giọng nói của
anh vẫn như ngày còn xuân trẻ, vẫn tiếu lâm, vẫn nhập đề trực khởi như
ngày xưa anh đã tỏ tình với các nàng:”I love you!” chớ không nhập đề
lung khởi. Nghe tin bạn bè chết vì bị “Stroke” nhiều quá như hảo hớn
Trần Quế Lâm, hỗn danh là “Lâm Đế” chẳng hạn nên hằng ngày Lê Phong dành
thì giờ đi bơi lội ở hồ bơi. Không biết bây giờ anh lội còn giỏi như lúc
ở phi trường Trà Nóc - Cần Thơ hay không? ngày ấy Lê Phong đã dám thách
đấu với hảo hớn “Yến Fulro” lội qua sông Hậu, ..nhưng phải mướn tác ráng
chạy theo phía sau để phòng khi có người bị “vộp bẽ” .
Thám tử Lê Phong theo nghiệp bay 13 năm trường, đeo “cánh bay có râu”
trên ngực áo. Trong “Tổ Quốc Không Gian”, chàng ta đã từng bay đêm, bay
trong mưa gió, không bao giờ bị “vertigo”. Vậy mà ra ngoài Bắc, chàng ta
“bay” dưới đất với loại “phi cơ tam giác” lại bị “vertigo” tưởng đâu đã
theo ông, theo bà, không còn được qua Mỹ để quét cặp mắt đèn pha trên
đôi “gò bồng đảo” no vun của các nàng đầm Hoa Kỳ “sexy”.
KHA LĂNG ĐA
GHI CHÚ :1) Jungle survival : Mưu sinh trong rừng –(2) Salvo: Trút hết
bom một lượt –(3) Vertigo : Chóng mặt – (4) Partner : Người cùng chung
phần – (5) Overrun : Tràn ngập – Visual Recue (VR) : Phi vụ thám sát –
Headset : Bộ ống nghe – (8) Intercom: hệ thống liên lạc nội bộ.
No comments:
Post a Comment