Wednesday, July 9, 2014

Tiểu Sử Trường Sơn Lê Xuân Nhị


Trường Sơn Lê Xuân Nhị tên thật là Lê Xuân Nhị, sinh năm 1951 tại Ban Mê Thuột, một thành phố nằm trên lưng dãy Trường Sơn ở Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam. Sau khi thi đậu tú tài bán phần năm 1968, yêu thích cuộc đời giang hồ của lính nên đã tình nguyện gia nhập trường Bộ Binh Thủ Đức.

Tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Đức, vì Không Quân bành trướng mạnh và nhu cầu đòi hỏi, ông được đưa tuyển sang Không Quân và sau một thời gian 2 năm dài học Anh Ngữ và học bay, trở thành phi công lái máy bay thám sát L-19, tốt nghiệp khóa 39 Hoa Tiêu Quan Sát tại trường phi hành
Nha Trang.
Sau khi ra trường, ông phục vụ tại Phi Đoàn 114, Không Đoàn 62 Chiến Thuật, Sư Đoàn 2 KQ Nha Trang. Khu vực làm việc của Phi Đoàn 114 bao gồm từ Quãng Đức phía Nam cho đến Qui Nhơn phía Bắc và quan trọng nhất, sâu vào phía Tây Bắc của vùng 2 chiến thuật là khu vực tam biên Pleiku. Đây là nơi mà nhiều trận đánh nổi tiếng đã xảy ra vào mùa Xuân-Hè năm 1972 (báo chí còn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa) và năm 1972 khi Bắc Quân đem 3 sư đoàn xâm nhập và mưu toan cắt Việt Nam làm 2 khúc.

Là một phi công lái máy bay
trinh sát và hướng dẫn khu trục, Lê Xuân Nhị làm việc với tất cả những đơn vị bộ binh ở đó như Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Sư Đoàn 22 Bộ Binh, Sở Liên Lạc Nha Kỹ Thuật, và các đơn vị biệt động quân ở vùng II. 4 năm lăn lộn trong bầu trời đầy dẫy lửa đạn này, ông học hỏi được nhiều điều. Ông tâm sự “Điều tôi học được nhiều nhất trong khoảng thời gian nhọc nhằn này là tình bằng hữu anh em. Trong khói lửa và cơ cực và nghèo đói, anh em chúng tôi dựa vào nhau để sống và để chiến đấu. Chúng tôi an ủi lẫn nhau, bênh vực lẫn nhau, làm cho nhau cười để ráng sống và ráng coi thường những cam go cùng bất hạnh của cuộc chiến.” Cũng nhờ những phi vụ yểm trợ này ông có một khái niệm tổng quát về cuộc chiến, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về các trận đánh và dùng những kinh nghiệm này sau này để viết những câu truyện ngắn thật là cảm động về cuộc chiến đấu cô đơn, anh dũng và bi hùng của người lính QLVNCH.
Ông sang Mỹ năm 1975, hiện cư ngụ tại hai thành phố New Orleans (tiểu
bang Louisiana) và San Jose (California), Hoa Kỳ. Trường Sơn Lê Xuân Nhị say mê văn chương hồi còn học trung học và kể từ năm 1967, ở lớp Đệ Tam đã gởi vài truyện ngắn đầu tay cho các tờ báo. Nhưng vì những tác phẩm này không hề được đăng báo, ông chán nản bỏ bút. Theo lời ông kể, ngày ông bỏ bút lúc còn trẻ là ngày buồn nhất đời ông. Ông tâm sự: "Hồi đó, tôi thấy cái cõi văn chương sao nó thật là gần gũi mà thật là xa vời. Nó nằm ngay trước mặt mình mỗi ngày, trong những trang báo, trong những cuốn sách bán đầy ngoài tiệm, nhưng muốn bước vào cõi đó thì khó như người bước vào cõi tiên."
Khi sang Mỹ năm 1975, uất hận vì cuộc thua trận vô lý và nhục nhã của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, mỗi năm vào dịp kỷ niệm mất nước 30-4, ông thường viết những bài viết ngắn bằng tiếng Anh để đăng lên mục "Ý kiến bạn đọc" (Your opinion) của tờ nhật báo duy nhất The Times Picayune của thành phố New Orleans, vạch ra những sai lầm và bất công mà nhân dân và Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phải gánh chịu trong suốt cuộc chiến.

Thường thường, những bài viết chỉ trích như vậy rất ít khi được đăng, nhưng hầu hết những bài viết của Trường Sơn Lê Xuân Nhị đều được tờ báo Mỹ địa phương đăng tải sau khi sửa đổi vài chi tiết phụ không quan trọng. Những bài viết này được một số người Việt Nam địa phương để ý, cho nên, khi hội ái hữu Không Quân tại Louisiana quyết định làm tờ đặc san năm 1989, ông được anh em mời cộng tác.

Thế là, sau 22 năm bỏ bút, ở lứa tuổi 40, Trường Sơn Lê Xuân Nhị cầm bút lên trở lại với đoản thiên đầu tiên viết về anh em và phi đoàn mình, Phi Đoàn 114. Bài viết làm cho chính tác giả và nhiều người rơi lệ. Được anh em khuyến khích, ông viết thêm vài truyện ngắn về lính, và cũng được khen ngợi. Nhiều người đọc xong đã khóc ròng.

Được khuyến khích, ông viết thử bộ truyện dài "Xếp Al Capone" là một cuốn truyện viết về bọn mafia ở Chicago mà sau đó trở thành bộ trường thiên, viết trong 5 năm, gồm 5 cuốn tổng cộng 2000 trang tất cả với một số chữ là một triệu chữ. Đây là một trong những bộ sách bán chạy nhất hải ngoại với nhiều lần tái bản.

Sau cuốn Xếp Al Capone, Trường Sơn Lê Xuân Nhị viết tiếp Phát Súng Ân Tình gồm 10 cuốn (2 triệu chữ) cũng được độc giả khắp thế giới say mê theo dõi. Bộ sách được tái bản cho đến ngày hôm nay (năm 2001) là 6 lần tất cả.

Ông hiện là một chuyên viên về điện toán (Computer Specialist) cho chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ tại thành phố New Orleans. Hỏi về cách làm việc, ông cho biết là ông đi ngủ rất sớm rồi thức giấc vào lúc 2, hoặc 3 giờ sáng là cái khoảng thời gian yên tĩnh nhất rồi viết cho đến khi đi làm. Hiện ông đang viết một cuốn truyện dài thuộc loại xã hội đen khác về nghiệp đoàn lao động Hoa Kỳ và đồng thời sắp hoàn thành một tác phẩm bằng Anh Ngữ, viết về chiến tranh Việt Nam.

4 comments:

  1. Một niềm hãnh diện chung cho người Việt tị nạn cs ,cũng là niềm hãnh diện của quân lực VNCH.Miền Nam tự do đã có anh,đã đào tạo anh,một tay viết không mỏi mệt ,đầy nhân bản...không như thợ viết của miền Bắc cs.Cám ơn anh đã cho người đọc những nụ cười ....và nước mắt.Trân trọng

    ReplyDelete
  2. I’m proud to be his friend ! Tai kha .

    ReplyDelete
  3. I'm the latest generation but I'm really interested in our country history so I listen to Phát súng ân tình and I do hate communist and sorry for our people fate but appreciate Mr.Truong Lệ for such as wonderful story.

    ReplyDelete
  4. Thỉnh thoảng được dịp đọc thoáng qua để xem nền văn chương Việt Nam tiến triển ra sao trong hoàn cảnh phải lưu vong này,thì Trường Sơn Lê xuân Nhị như một tiêu biểu nhất cho văn chương hiện thực cho tôi luôn tìm đọc vì rất ít hư cấu nên rất lôi cuốn vì nay đã qua tuổi mộng mơ rồi,nay lại biết thêm về ông cũng từ miền cao nguyên đất đỏ Ban mê Thuột hiện thân,nơi tỉnh lỵ này một đời tuổi trẻ của tôi cũng đã sống và phụng hiến bằng tất cả nhiệt huyết nên tôi đâm ra kính nể ông,nay như một lời ngỏ để có gì ta gắn kết cùng nhau mà tìm thấy nguồn sống,mong,

    ReplyDelete