Wednesday, July 9, 2014

Dứt Cơn Mơ Ta Về Với Núi*

NT Võ Ý áo trắng ngồi giữa
 
Tôi từ Phi Đoàn 110 Đà Nẵng thuyên chuyển về Phi Đoàn 114 Nha Trang đầu năm 1965 và tôi biết Pleiku qua những kỳ biệt phái cho Quân Đoàn II 

Lúc bấy giờ, không quân Pleiku đồn trú trong phi trường Cù Hanh được gọi là Căn Cứ 92 Chiến Thuật trách nhiệm phòng thủ vòng đai phi trường và điều động các phi vụ yểm trợ hành quân
Do đà phát triển của Không Lực, khoảng cuối năm 1971, Căn Cứ 92 Chiến Thuật biến thành Không Đoàn Yểm Cứ Pleiku, đồng thời Không Đoàn 72 Chiến Thuật ra đời, thì tôi thuộc quân số của đơn vị tân lập tại cái xứ nắng bụi mưa sình nầy.

Bất cứ người lính thuộc bất cứ Quân Binh chủng nào, khi nói đến Pleiku là họ nghĩ ngay đến một địa danh đầy bất trắc và buồn tẻ.

Một đia danh đi đày!

Chỉ cần nghe âm thanh Pleiku là đã mường tượng được vẻ rùng rợn hoang tịch và kỳ bí của núi rừng. Cho nên có thể nói Pleiku là đáy của 4 Vùng Chiến thuật.

Đã là đáy thì còn xá gì những ngày tháng trấn thủ lưu đồn, cho nên ở Pleiku không thiếu những lính ba gai những quan bất mãn. Ba gai và bất mãn là...vô kỹ luật, là ngang bướng nhưng đôi khi chính cái ngang bướng nầy đã biến những đơn vị trừng giới lập nên những chiến tích lẫy lừng dù không ít khi gây nhức đầu cho các ông quân cảnh ở hậu phương và cấp chỉ huy gương mẫu.

Ở vùng địa đầu giới tuyến, dù sao cũng còn có Huế cổ kính và thơ mộng, có Đà Nẵng phố thị rộn ràng, có phố cổ Hội An một thời thương thuyền tấp nập... Còn Pleiku, dù có bản doanh Bộ Tư Lệnh QĐII trấn đóng, nhưng thành phố gì mà đi dăm phút đã trở về chốn cũ, nắng thì bụi mù, mưa thì sình lầy, đi đâu cũng gặp toàn lính là lính...

Đúng, Pleiku là thành phố lính!

Hầu hết các Quân Binh chủng của QLVNCH đều đồn trú xung quang Pleiku, ngoại trừ Hải Quân. Pleiku là một vị trí chiến lược của miền Nam trước kia và của cà nước ngày nay

Người lính sinh quán từ khắp mọi miền đất nước, có dịp lên Pleiku thi hành nghĩa vụ người trai, không ít người trong số đó nghĩ rằng, họ đi đày. Vậy mà khi nói đến Pleiku, những lính ba gai, những quan bất mãn đó vẫn còn chút gì để nhớ để thương, là tại làm sao?

Có phải may mà có em, những em Pleiku má đỏ môi hồng, nên Pleiku mới còn chút gì để nhớ?

Vâng, đúng vậy! Ở cái chốn chó ăn đá gà ăn đất mà thấy một bóng hồng thì lòng người lính nào không ngẩn ngơ tấc dạ? Đã có rất nhiều người lính đa tình, sinh cây bén rễ ở cái đất mưa sình nắng bụi nầy.

Nhưng chúng tôi không nghĩ “em Pleiku má đỏ môi hồng” là lý do duy nhất để ai đó thương nhớ Phố Núi cao, Phố Núi đầy sương....

Vì là chốn tam biên lửa đạn, sống nay chết mai, hằng ngày phải đối đầu với hiểm nguy và bất trắc, nên dễ nẫy sinh tình đồng đội, qua đó, địa danh Pleiku gắn liền với kỷ niệm sinh tử trong tâm khảm những người lính xa nhà.

Pleiku, địa danh đi đày, trở thành niềm kiêu hãnh cho những chinh nhân đã từng trấn đóng ở Pleiku. Cũng có thể nói, Pleiku, chiến trường tây nguyên khốc liệt và thân phận người lính, là một thể. Và đây cũng là lý do để người lính Pleiku lúc nào cũng nhớ về chiến trường xưa:

Chư Pao ai oán hờn trong gió/ Mỗi một khăn tang một tấc đường
(Lâm Hảo Dũng)

Mỗi ngày, chúng tôi lên Phi Đoàn để nhận phi vụ lệnh. Phi trường bỗng bị pháo kích, phi hành đoàn túc trực cất cánh ngay để kịp phát hiện địa điểm đặt pháo. Những quân nhân khác tự động chạy vào hầm trú ẩn. Cuộc sống hằng ngày của các không quân tại căn cứ Pleiku là như vậy. Nghĩa là chúng tôi sống chết có nhau. Ngày qua ngày, gặp nhau trong căn cứ. Gặp hoài đâm ra quen và thân như anh em, đến nỗi khi xa thì nhớ.

Cùng chia xẻ hiểm nguy, cùng cận kề với lẽ tử sinh, là những chất xúc tác giúp giúp phát sinh tình đồng đội, qua đó tạo nên tình Phố Núi.

KQ Nguyễn Hữu Thiện, Sĩ quan Chiến tranh Chính trị Sư Đoàn 6 KQ Pleiku, đã nói về nỗi nhớ Pleiku như sau: “ tôi nhớ tới một ngàn ngày đói rách ở Pleiku hơn là ba năm phây phả ở Biên Hòa” (LLDNCT, trang 363)

Những cư dân Pleiku, sinh ra và lớn lên trên mãnh đất quê hương, họ có lý do để yêu mến quê hương của họ.

Những công chức và giáo chức, đáo nhậm nhiệm sở ở Pleiku, họ sẽ yêu mến Pleiku vì họ đã yêu mến môi trường sinh hoạt thân thuộc hằng ngày cũng như cung cách phục vụ quốc gia dân tộc của họ.

Chúng tôi rất tâm đắc với tâm tình của thầy Nguyễn Đăng Dự, Hiệu trưởng và là Giáo sư các trường Trung học Pleiku, qua Vạt Nắng Bên Thềm: “Có những lúc ngồi trong thư viện, chồng sách trước mặt, nghe xí xa xí xố chung quanh bằng một ngôn ngữ xa lạ, hồn tôi đã quay về với căn nhà số 13 đường Yên Đỗ Pleiku. Con đường không được tráng nhựa lầy lội ngày mưa mà tôi ghét cay ghét đắng ngày nào, nhưng lúc đó tôi đã thèm được trở về để lại được rón rén bước chân tránh từng vũng bùn. Tôi nghĩ tới ánh mắt buồn rười rượi của con chó thân yêu. Tôi thèm được ngửi lại mùi hương thoảng nhẹ của bụi hồng nhỏ góc vườn mỗi khi lách xe ra khỏi cổng trước khi đến trường. Tôi muốn được chung quanh tôi là tiếng lao xao bằng một ngôn ngữ Việt thân quen của các em học sinh trong những lớp học ngày xưa!”

Qua tâm tình trên thì một giáo chức đương nhiên sẽ yêu mến phấn trắng bảng đen và các học sinh của mình, nhưng sao vị thầy lại nhớ cả mùi hương thoáng nhẹ của bụi hồng và con đường lầy lội trước nhà? Phải chăng tấm lòng thương nhớ Pleiku cũng là một biểu hiệu của nỗi nhớ nước thương quê ?

Cũng có những tâm hồn mẫn cảm và lãng mạn, họ yêu mến Pleiku chỉ vì người Pleiku chơn chất thật thà, chỉ vì giọng nói Pleiku thánh thiện và trong vắt như tiếng suối xa:

Trở về rừng nói tiếng yêu đương/ Cho nó trong như tiếng ngàn tiếng suối/
Hết băn khoăn và hoài công ngóng đợi/ Khác cuộc tình ở dưới nhân gian

Rất nôn nóng đợi ngày về với núi/ Nghe vi vu tiếng gió khe rừng/
Mọi thứ quanh ta đều thánh thiện/ Và thánh thần bỗng hết thiêng liêng
(Dứt Cơn Mơ Ta Về Với Núi, Cao Thoại Châu*)

Cá nhân chúng tôi cũng rất yêu mến Pleiku, nhưng không hẳn vì em Pleiku má đỏ môi hồng mà vì...muốn học tính khí của...Từ Hải!.

Sau khi tốt nghiệp Khóa Chỉ Huy & Tham Mưu Trung Cấp Không Quân, tôi được bổ nhiệm về làm Sĩ Quan Nhân Lực cho Văn phòng Tham Mưu Phó Hành Quân thuộc SĐ2KQ Nha Trang. Chữ thọ coi như dán ngay trên đỉnh trán, tôi có thể hằng ngày tung tăng với biển đượm với nắng hồng... , Vậy mà, hà cớ chi lại tình nguyên lên Pleiku, chốn lửa đạn mịt mù? Xin hãy nghe Từ Hải dổm lý sự cùn: “Mỗi người sống ở Pleiku và yêu Pleiku theo cảm nhận riêng. Tôi cũng yêu Pleiku theo cách cảm nhận của riêng tôi. Pleiku là nơi chốn tôi đã tình nguyện đến. Pleiku là nơi thách đố bổn phận và trách nhiệm của một quân nhân. Pleiku đối với tôi còn là một địa danh để tôi có thể thể hiện cung cách phục vụ quân chủng thân yêu của mình.” (LLDNCT, trang 363)

Cái lý sự cùn trên đây không thể che khuất em Pleiku má đỏ môi hồng. Pleiku thật sự khởi sắc và mang một linh hồn kể từ khi bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định được Pham Duy phổ nhạc, và bài ca đã thật sự tô điểm cho Pleiku thêm hương sắc.

Đa số người miền Nam khi nhắc đến Pleiku là nhắc đến em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Đi dăm phút trở về chốn cũ/ May mà có em đời còn dễ thương/, v.v...

Nhà thơ Du Tử Lê không phải mộng mị mà viết lên rằng, “Vũ Hữu Định đã đội vương miện cho Pleiku”. Với vương miện nầy, bài ca Còn Một Chút Gì Để Nhớ đã được hát ròng rã khắp miền Nam từ 1965 và ròng rã trong các trại tù miền Bắc sau 1975 cho tận ngày nay....

Còn Một Chút Gì Để Nhớ
đã được Ban Tổ Chức chọn làm chủ đề cho cuộc Hội Ngộ Pleiku Phố Núi

Ở hải ngoại, chưa có một tổ chức nào đứng ra tổ chức Hội Ngộ Đồng Hương Phố Núi cả, ngoại trừ các học sinh Liên trường Pleiku. Các anh chị ấy đã tổ chức được 4 kỳ Đại Hội, nhưng vẫn giới hạn trong hàng rào các sân trường Pleiku.

Lúc Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Đoàn 6 KQ Pleiku còn sanh tiền, anh em KQ Pleiku rất muốn tổ chức một buổi họp mặt Sư Đoàn, mà không làm được. Nay Hội Aí Hữu Phố Núi Pleiku đứng ra làm việc “động trời” nầy, sự tham dự và hổ trợ của những ai đã từng sống, phục vụ tại Pleiku, sẽ là một thôi thúc tình cảm tất yếu.

Từ những ghi nhận thô thiển trên đây đã thúc dục chúng tôi tiếp tay với Ban Tổ chức trong khả năng, là mời gọi các không quân đã từng sống và biệt phái cho Pleiku, cũng như các chiến hữu quen biết tại Quân Đoàn II trước kia, ghi tên tham dự cuộc Hội Ngộ hiếm hoi nầy.

Vâng, kể từ khi có lệnh rút Quân Đoàn II về duyên hải qua tỉnh lộ 7B, khởi sự đêm 16 tháng 3 năm 1975, tính đến nay, là đã 36 năm tròn. Có thể rất nhiều đồng bào và đồng đội đã từng chứng kiến cảnh kinh hoàng qua cuộc di tản chập chùng uất nghẹn nầy.

Ba mươi sáu năm qua, hình ảnh lộ 7B chưa phai mờ trong ký ức người di tản Thy Lan Thảo, thuộc Tiểu Đoàn 20 CTCT Pleiku:

Giã từ Cao nguyên, giã từ Phú Bổn/ Đây sông Ba sóng nước hãi hùng
Xác máu lập lờ bên thép súng/ Tàn quân tan tác lệ rưng rưng...

Bao năm rồi – Tỉnh lộ 7B/ Sắt son ai giữ được câu thề
Bao giờ rửa được hờn sông núi/ Hay vẫn chìm quên trong lãng mê!!
(Bao Năm Rồi-Tỉnh Lộ 7B - Thy Lan Thảo)

Tỉnh lộ 7B đã đi vào chiến sử. Người dân Pleiku (và cả nước) sẽ không bao giờ lãng mê cuộc lui binh tai hại bậc nhất trong cuộc chiến quốc cộng vừa qua.

Mong sao cuộc Hội Ngộ Phố Núi sắp tới sẽ giúp chúng ta tìm lại kỷ niệm xưa, tìm lại thanh xuân của mình trong hân hoan và xúc đông.

Cuộc Hội Ngộ cũng sẽ giúp đồng đội đồng bào có được giây phút bùi ngùi tưởng tiếc những oan hồn uổng tử trên lộ 7B, vì họ đã ngã xuống cho chúng ta tồn tại ngày hôm nay.

Có thể nói, tham dự Hội Ngộ là dịp để “Nhìn Nhau Bỗng Thấy Ra Sông Núi (1)”, để chúng ta hun đúc lại tình nước tình nhà, tình bà con xóm giềng, tình huynh đệ anh em,

Tham dự Hội Ngộ Phố Núi cũng sẽ là một thôi thúc tình cảm của những cánh chim bỏ xứ mà lòng hằng mơ một khung trời tự do, một tổ ấm bay về...

Ba mươi sáu năm kể từ ngày di tản khỏi Pleiku, đã qua đi như một cơn mơ.

Cơn mơ đã qua, đây là thuận duyên để người Pleiku tìm đến nhau trong Ngày Hội Ngô, nói như nhà thơ Cao Thoại Châu*, cũng là nhà giáo các trường Trung học Pleiku ngày xưa:

Dứt Cơn Mơ Ta Sẽ Về Với Núi*!

Võ Ý
01/2011

(1) Tựa một bài thơ của Du Tử Lê

No comments:

Post a Comment